2. SỰ HÌNH THÀNH MẬT ONG NGUYÊN CHẤT
Ong thợ sử dụng vòi để hút mật hoa từ các loại hoa. Mật hoa được đưa vào dạ dày mật để các enzyme thực hiện chuyển hóa từ mật hoa sang mật ong (loài ong có hai loại dạ dày: dạ dày mật sử dụng khi làm mật và dạ dày thường để chuyển hóa thức ăn).
Sau khi mật hoa được chuyển hóa hoàn toàn thành mật ong, ong thợ sẽ nhả mật ong vào tổ rồi dùng cánh để quạt bay hơi nước có trong mật cho đến khi mật ong đạt đến độ bão hòa (tỷ lệ nước ~17%) thì sẽ thực hiện niêm phong tổ lại, hoàn tất quá trình làm mật.
Mật ong là hỗn hợp của các loại đường và một số thành phần khác. Về thành phần carbohydrat, mật ong chủ yếu là fructose (khoảng 38,5%) và glucose (khoảng 31,0%). Các carbohydrat khác trong mật ong gồm maltose, sucrose và carbohydrat hỗn hợp. Trong mật ong, các vitamin và chất khoáng chỉ xuất hiện ở dạng vết. Mật ong cũng chứa một lượng rất nhỏ các hợp chất chức năng như chất chống ôxy hóa, bao gồm chrysin, pinobanksin, vitamin C, catalase và pinocembrin. Thành phần cụ thể của mật phụ thuộc vào hoa mà ong hút mật.
Thành phần của mật ong thông dụng: Fructose: 38,2%, Glucose: 31,3%, Sucrose: 1,3%, Maltose: 7,1%, Nước: 17,2%, Các loại đường có khối lượng phân tử cao hơn: 1.5%, Tro: 0,2%, Các chất khác: 3,2%.